Người Nhật luôn được ngưỡng mộ không chỉ bởi ý chí kiên cường mà còn bởi tinh thần hiếu học của họ. Nhiều người vẫn luôn thắc mắc làm sao mà người Nhật có thể học tập tốt như vậy. Bài viết này sẽ đem đến cho bạn phương pháp học của người Nhật. Đó là phương pháp Kaizen. Đây chính là bí quyết giúp họ học tập vô cùng hiệu quả.
Hai tính chất của phương pháp học Kaizen
Có thể phương pháp này vẫn còn xa lạ với nhiều người Việt Nam của ta nhưng lại cực kì phổ biến đối với người Nhật. Trong tiếng Nhật, cụm từ “Kaizen” có nghĩa là “thay đổi để tốt đẹp hơn”. Người Nhật luôn cho rằng triết lý Kaizen chính là chìa khóa dẫn đến thành công. Phương pháp Kaizen được đánh giá là vô cùng lợi hại trong việc giúp bạn thay đổi tính cách, cải thiện cuộc sống hiệu quả, kể cả đối với những người lười nhất, bận rộn nhất.
Hai tính chất của phương pháp Kaizen là thay đổi từng chút nhỏ và làm liên tục, liên tục không ngừng. Cụ thể:
Thứ nhất, thay đổi từng chút nhỏ, kể cả là sự thay đổi nhỏ nhất những vấn đề cần giải quyết. Điều này được hiểu là khi bạn gặp phải một vấn đề lớn và lo lắng không biết phải giải quyết vấn đề này từ đâu và như thế nào. Phương pháp Kaizen của người Nhật khuyên rằng bạn nên chia vấn đề lớn ấy thành từng vấn đề nhỏ hơn và tập trung giải quyết từng rắc rối nhỏ. Theo đó, nếu bạn đã chia nhỏ vấn đề một lần nhưng vẫn chưa thể giải quyết được thì hãy tiếp tục chia nhỏ thêm lần hai, lần ba, lần tư, v.v… cho đến khi bạn thực sự đã tìm ra hướng giải quyết. Mặc dù bạn nghĩ rằng việc chia nhỏ vấn đề hơn thật đơn giản nhưng sự thật không phải vậy. Tính chất thứ nhất của phương pháp học Kaizen đòi hỏi bạn phải có tư duy và suy nghĩ để phân chia sao cho vấn đề được chia nhỏ một cách hợp lý. Đã có rất nhiều trường hợp, người học không chú trọng và đầu tư kỹ cho việc phân chia khiến vấn đề phức tạp hơn.
Tính chất thứ hai của phương pháp Kaizen là tính liên tục và không ngừng. Chỉ cần nghe qua thì chúng ta cũng đã hiểu cơ bản về tính chất này. Nghĩa là bạn cần thực hiện việc thay đổi nhỏ ấy một cách liên tục và không ngừng nghỉ. Bởi vì những vấn đề lớn đã được chia thành những vấn đề nhỏ hơn và vấn đề nhỏ hơn sẽ dễ giải quyết hơn, ít mất thời gian hơn nên bạn cần thực hiện ngay. Đồng thời, mỗi vấn đề nhỏ là một mắc xích quan trọng trong vấn đề lớn. Do đó, chỉ cần bạn ngắt quãng giải quyết một vấn đề nhỏ nào đó thì chắc chắn những vấn đề nhỏ khác sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, phương pháp Kaizen vô cùng thú vị, giúp người học không còn sợ hãi khi gặp khó khăn và bình tĩnh hơn để giải quyết những rắc rối lớn.
Áp dụng phương pháp Kaizen vào học tập và ôn thi
Học tập và thi cử cũng được xem là vấn đề trong cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, bạn vẫn có thể áp dụng phương pháp Kaizen để giải quyết nó. Nhiều người Nhật đã áp dụng triệt để những nguyên tắc sau đây để việc học trở nên hứng thú và dễ dàng hơn:
Mỗi ngày một câu hỏi
Có thể bạn đã đôi lần nghe câu nói: “Tích tiểu thành đại”. Câu nói này cực kì đúng đối với nguyên tắc đầu tiên của người Nhật. Bởi lẽ, mỗi ngày một câu hỏi dường như là quá ít đối với mỗi chúng ta nhưng sau nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, bạn sẽ nhận ra đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra và bạn cũng đã tìm được câu trả lời cho vô số câu hỏi. Bạn có biết không, bộ não của con người bị kích thích nhiều đối với những câu hỏi và các mệnh lệnh. Chính vì vậy, bạn càng có nhiều câu hỏi thì não bộ sẽ càng phát triển.
Bên cạnh đó, “mỗi ngày một câu hỏi”, nghe thì thật dễ thực hiện nhưng cách đặt một câu hỏi cũng có tầm quan trọng không kém. Câu hỏi của bạn phải có độ khó vừa đủ để bạn mong muốn tìm câu trả lời vừa không quá sức khiến bạn chán nản, bỏ cuộc. Đối với việc học, bạn có thể tham khảo những câu hỏi như: “Làm sao để học giỏi?”. Đã có câu hỏi chính, bạn hãy áp dụng tính chất thứ nhất của phương pháp học Kaizen để đặt tiếp những câu hỏi nhỏ hơn: “Làm sao để ta dậy sớm hơn?”, “Làm sao để ta chịu khó làm bài tập hơn?”,”Làm sao để ta đến lớp đúng giờ hơn?”, “Làm sao để ta tập trung nghe giảng hơn?”, v.v…
Hành động liên tục trong ngày
Đừng bao giờ để những kế hoạch của bạn chỉ nằm trên những trang giấy trắng mà hãy bắt đầu ngay việc thực hiện hóa nó trên thực tế. Sau khi đã nhận diện được vấn đề, chia nhỏ vấn đề, tìm ra hướng giải quyết, bạn hãy sẵn sàng thực hiện ngay. Việc hành động liên tục sẽ giúp bạn hình thành thói quen tốt và tích cực. Hơn thế nữa, nó còn giúp bạn hạn chế triệt để thói quen trì hoãn trong cuộc sống – thói quen ngăn cản sự thành công của nhiều người. Đồng thời, việc bạn hành động liên tục sẽ giúp bộ não của bạn tư duy không ngừng nghỉ. Điều này góp phần giúp bộ não của bạn bền bỉ, hoạt động hiệu quả hơn.
Đơn giản hóa vấn đề
Bởi vì nguyên lý hoạt động của phương pháp học Kaizen là chia nhỏ vấn đề nên khi học, gặp những kiến thức khó hiểu, bài tập khó làm, bạn hãy đơn giản hóa vấn đề. Đừng nên giải quyết câu hỏi đề bài ngay lập tức mà hãy phân tích từng ý nhỏ và làm từng phần một. Chỉ cần áp dụng phương pháp học này, bạn sẽ học tiến bộ nên rất nhanh đấy.
Tự thưởng cho bản thân
Mặc dù không phải là nguyên lý học tập chính của phương pháp Kaizen nhưng dựa trên ý nghĩa của phương pháp này, nhiều người vẫn khuyên rằng bạn nên tự thưởng cho bản thân khi giải quyết được vấn đề. Việc tự thưởng cho bản thân sẽ là một động lực to lớn khích lệ bạn cố gắng nhiều hơn.
Để ý và trân trọng từng khoảnh khắc nhỏ bằng “cuốn sổ hạnh phúc”
Phương pháp Kaizen với ý nghĩa “thay đổi để tốt đẹp hơn”, phương pháp này cũng gửi gắm đến người áp dụng hãy trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống. Nhiều người đã trang bị cho riêng mình “cuốn sổ hạnh phúc” để có thể ghi lại tất cả những niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, v.v… Áp dụng cho việc học, mỗi khi bạn được điểm cao hay giải được một bài toán khó, giúp đỡ bạn bè học tập, v.v… hay những lúc bạn áp lực, mệt mỏi trong học tập, điểm thi không tốt, v.v… cũng hay ghi lại để thời gian qua đi, với những nỗ lực của mình, bạn sẽ thấy bạn đã thực sự “thay đổi để tốt hơn” trong học tập.
Trịnh Hàn Kim Ngọc